Tin mới
Đang tải...

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng phải nộp Báo cáo tài chính

Theo Dự thảo Thông tư do Bộ Công thương soạn thảo, định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động bán hàng đa cấp theo yêu cầu của Cục Quản lý cạnh tranh và cả Báo cáo tài chính.

Bộ Công thương vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. 
Theo dự thảo Thông tư này, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải có văn bản xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập về mức vốn hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.
Doanh nghiệp đồng thời cũng phải nộp tài liệu liên quan đến công dụng, cách thức sử dụng, chính sách bảo hành, trả lại, mua lại hàng hóa.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư cũng có quy định về báo cáo định kỳ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo đó, định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động bán hàng đa cấp theo yêu cầu của Cục Quản lý cạnh tranh, bao gồm thông tin doanh nghiệp (tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số đăng ký doanh nghiệp, điện thoại, fax, email; địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, tên và số điện thoại của người liên hệ tại các địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp).
Ngoài ra còn có các thông tin về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp như doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng là một trong những thông tin quan trọng phải nộp về cho cơ quan chức năng.
Không dừng lại đó, để quản lý chặt hơn, dự thảo Thông tư còn yêu cầu định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp còn phải nộp báo cáo về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương (doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp) theo yêu cầu của Sở Công thương.
Hiện tại, Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định năm 2013 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP.  Dự thảo Nghị định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp thông qua việc bổ sung các hành vi bị cấm của Doanh nghiệp và người tham gia. 
Đơn cử là việc cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp, cấm ký từ 2 hợp đồng với cùng một người tham gia mạng lưới, cấm mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp. Ngoài ra còn tăng trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua nghĩa vụ chứng minh và bồi thường.
Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp, thời gian xin Giấy chứng nhận cũng được kéo dài và hồ sơ phức tạp hơn với việc bổ sung nhiều tài liệu liên quan tới họat động và hàng hóa của Doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 
Dự thảo Nghị định bổ sung nhiều điều kiện khắt khe hơn về vốn pháp định là 10  tỷ đồng, ký quỹ 5 tỷ đồng. Quy định này đòi hỏi Doanhnghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn. Đối với Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, Dự thảo quy định thời gian có hiệu lực là 3 năm kể từ ngày ký và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần được 5 năm.
Bích Diệp
Theo Dân Trí

0 comments:

Post a Comment