Tin mới
Đang tải...

Những quy định có cũng như không!

Dư luận đang xôn xao về một quy định mới của liên bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khi từ ngày 26-5 người sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó có cả người bán thức ăn đường phố, hàng rong, đều phải “thi” và có xác nhận được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Đáng lẽ trong thời buổi vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc thì mỗi động thái của cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh chất lượng an toàn thực phẩm phải đem lại sự an tâm, hài lòng cho người tiêu dùng. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, động thái chấn chỉnh này lại khiến người tiêu dùng thêm lo lắng về tính khả thi, tính hiệu quả của quy định này. Thậm chí, người ta còn lo “giấy xác nhận được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm” sẽ lại trở thành một loại giấy phép con, gây khó khăn thêm cho những người nghèo bán hàng rong, trong khi không đem lại hiệu quả thực chất về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Quy định này khiến người ta nhớ đến thông tư 30 cũng của Bộ Y tế, có hiệu lực thực hiện từ ngày 20-1-2013 quy định người bán hàng rong phải khám sức khỏe và hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, đủ trang thiết bị và dụng cụ chế biến thực phẩm... Hơn một năm qua đi, những quy định đó đã hoàn toàn rơi vào quên lãng khi không một cơ quan chức năng nào đủ thời gian đi kiểm tra, xử phạt những người bán hàng rong chưa được kiểm tra sức khỏe, chưa nói đến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của hàng rong, vốn chỉ qua mua bán trao tay đầu chợ cuối chợ. Vì thế, thông tư 30 đặt ra nhiều tiêu chuẩn cho hàng rong, cho bếp ăn tập thể, quầy bán thực phẩm thoạt nghe thì vui tai, nhưng hiệu quả thì gần như không có.
Lần này, với yêu cầu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kể cả người bán hàng rong phải thi và có xác nhận được tập huấn kiến thức, cơ quan chức năng lại trưng với công chúng một văn bản khiến nhiều người không khỏi... cười thầm. Hiệu quả bảo đảm an toàn thực phẩm tới đâu khi mà việc tập huấn và cấp chứng nhận được giao cho UBND phường xã, nơi hầu như không có kiến thức về vệ sinh thực phẩm? Hơn nữa, trong thời buổi “trăm dâu đổ đầu phường”, phường phải lo đủ thứ, liệu họ có mặn mà với hoạt động tập huấn kiến thức vệ sinh thực phẩm cho hàng rong, cơm bụi?
Theo một thống kê chưa đầy đủ, riêng TP Hà Nội có 26.000-30.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Nếu tính trên phạm vi toàn quốc, con số sẽ phải lên đến hàng trăm ngàn cơ sở với hàng triệu người tham gia kinh doanh. Một bài học là trong thời gian từ năm 2005-2010, khi thực hiện cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, mới có khoảng 10% số cơ sở được cấp loại chứng nhận này.
Quy định mới quan tâm đến tận chi tiết nhỏ nhất của hệ thống cung cấp thực phẩm, nhưng lại khiến người ta âu lo vì không biết sau tập huấn, sau khi có xác nhận, liệu thực phẩm có an toàn hơn, hay lại giẫm vào vết xe đổ của các quy định trước đó từng bị kêu khó về khả năng thực thi?
Lan Anh
(Theo Tuổi trẻ)

0 comments:

Post a Comment