Tin mới
Đang tải...

Đề nghị tạm dừng cấp chứng minh nhân dân công nghệ mới

Đó là đề nghị chính thức từ thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh sau cuộc khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về căn cước công dân”.

Theo đó, thường trực ủy ban này cho rằng trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật căn cước công dân, trước mắt đề nghị chỉ đạo tạm dừng việc cấp chứng minh nhân dân theo công nghệ mới, trong đó có số chứng minh nhân dân 12 số tại thành phố Hà Nội và một số địa phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng chứng minh nhân dân của công dân.
Dự án Luật căn cước công dân lần đầu tiên trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, và sáng nay 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật này. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý chứng minh nhân dân theo công nghệ mới và đã được Bộ Công an triển khai thí điểm từ tháng 9-2012, bước đầu tổ chức triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để đẩy nhanh việc tổ chức cấp chứng minh nhân dân theo công nghệ mới. Bộ Công an đã tích cực chỉ đạo bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước triển khai thực hiện ở các địa phương phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và quyết định tổ chức cấp chứng minh nhân dân mẫu mới tại thành phố Hà Nội từ ngày 1-4-2014.
Qua khảo sát của ủy ban Quốc phòng và an ninh tại một số địa phương, tuy được đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ việc cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới, nhưng cũng còn nảy sinh những bất cập do việc thay đổi số chứng minh nhân dân nhưng các tổ chức kinh tế- xã hội chưa được phổ biến hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận số chứng minh mới nên việc giao dịch của công dân gặp khó khăn.
Theo Báo cáo của Bộ Công an, từ năm 1999 đến nay, toàn quốc đã cấp 68.124.934 chứng minh nhân dân (trong tổng số 70.482.713 người thuộc diện cấp chứng minh nhân dân), đạt 96,6%; trong đó cấp mới 34.090.538, đổi 18.034.383, cấp lại 16.000.013 chứng minh nhân dân.
Qua công tác kiểm tra sử dụng chứng minh nhân dân cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng chứng minh nhân dân từng bước nâng cao. Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý hoặc sử dụng chứng minh nhân dân để giao dịch còn nhiều sơ hở, thiếu sót, chưa thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của loại giấy tờ cá nhân này. Nhiều trường hợp công dân làm mất, làm hỏng, làm giả chứng minh nhân dân, cho mượn chứng minh nhân dân hoặc cho mượn thông tin cá nhân (ảnh, giấy khai sinh, hộ khẩu, các giấy tờ cá nhân khác…) để người khác làm chứng minh nhân dân.
Lực lượng Công an đã xử phạt và đề xuất người có thẩm quyền xử phạt 229.726 trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân với số tiền phạt trên 17 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 80.359 trường hợp; qua kiểm tra chứng minh nhân dân đã phát hiện 50 đối tượng truy nã, 2.260 đối tượng nghi vấn hoạt động tội phạm, đồng thời cung cấp hàng nghìn nguồn tin cho các lực lượng điều tra, khám phá tội phạm. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý chứng minh nhân dân để chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Đáng chú ý thông qua khai thác tàng thư căn cước phục vụ cấp chứng minh nhân dân, đã phát hiện 421.999 trường hợp một người sử dụng nhiều chứng minh nhân dân…
V.V.Thành
Theo Tuổi Trẻ

0 comments:

Post a Comment