Tin mới
Đang tải...

Muốn biểu tình vẫn phải chờ… luật!

Hội đồng Hiến pháp “vắng mặt” trong Hiến pháp 2013, trong khi hệ thống tư pháp còn thiếu tính độc lập, chưa thực sự là các cơ quan bảo vệ công lý khiến khả năng bảo đảm các quyền con người, quyền công dân là một thách thức.

Được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất trong Hiến pháp năm 2013, chế định quyền con người, quyền công dân tạo cơ sở hiến định ràng buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những nghĩa vụ về quyền con người, quyền công dân trong thực tế, đặc biệt là nghĩa vụ bảo vệ và bảm đảm. Đồng thời, ngăn chặn khả năng lạm dụng quyền lực nhà nước để vi phạm nhân quyền, phòng ngừa những suy nghĩ, hành động cực đoan trong việc hưởng thụ các quyền. 
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013” do Tạp chí nghiên cứu lập pháp (Viện Nghiên cứu lập pháp) và Viện Chính sách công và pháp luật (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hôm qua (6/5), nhiều chuyên gia pháp lý thừa nhận, việc hiện thức hóa triển vọng lớn về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 sẽ phải vượt qua nhiều thách thức và tiến độ thể chế hóa sẽ khó nhanh chóng trong điều kiện hiện nay.
Muốn biểu tình vẫn phải chờ… luật!
Trong Hiến pháp năm 2013, các quyền dân sự, chính trị như tự do lập hội, hội họp, biểu tình, quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý… đã được qui định rõ ràng là các quyền hiến định của người dân. Thực tế, nhiều quyền đã từng được qui định trong Hiến pháp 1992 nhưng suốt thời gian dài vẫn “nằm im” vì thiếu thiết chế bảo đảm và không được luật hóa. 
Để các quyền này không trở thành quyền “treo”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng khẳng định, việc thể chế các qui định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chương trình lập pháp của Quốc hội trong năm 2015-2016, có những luật sẽ được ban hành ngay trong năm 2014.
Theo dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ có 28 đạo luật, bộ luật sắp tới sẽ được bổ sung, ban hành mới để triển khai Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, trong đó có 12 đạo luật, luật liên quan đến quyền chính trị - dân sự, 16 đạo luật, luật liên quan đến quyền kinh tế - văn hóa – xã hội. 
Tuy nhiên, theo TS.Vũ Công Giao (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc Hiến pháp không qui định hiệu lực trực tiếp khiến người dân muốn thực hiện của các quyền quan trọng này thì phải chờ Quốc hội ban hành luật để cụ thể hóa và có thể phải đợi cả Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành cũng là một thách thức để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.
GS.Đào Trí Úc (Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và pháp luật) cũng cho rằng: “Sự lạc hậu của Hiến pháp và cơ chế thực hiện trực tiếp Hiến pháp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của con người có thể ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào chế độ, vào bộ máy Đảng và Nhà nước, làm giảm hiệu quả của những nỗ lực tạo ra sự đồng thuận xã hội, sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân”. 
GS.Trần Ngọc Đường cho rằng, tuy không có Hội đồng Hiến pháp nhưng Hiến pháp năm 2013 vẫn “cài” qui định để thiết lập một thể chế kiểm soát độc lập hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Song với vai trò được hầu hết các chuyên gia pháp lý đánh giá là thiết chế có vai trò và hiệu lực giám sát quyền lực mạnh, toàn diện và trực tiếp nhất, việc Hội đồng Hiến pháp đã không “chen chân” được vào các qui định về thiết chế hiến định độc lập trong Hiến pháp 2013 càng khiến vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân chưa thoát khỏi lo ngại. 
Nhiều chuyên gia nhận định, trong điều kiện hiện tại, với cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo được thiết kế theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và hệ thống tư pháp thiếu độc lập, khả năng những vi phạm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị nhạy cảm, được xử lý khách quan, công bằng và được bồi thường thích đáng, là rất khó khăn. 
Cùng với đó, TS.Vũ Công Giao nhận thấy, qui định về việc vận dụng yếu tố bảo vệ an ninh quốc gia để hạn chế quyền và qui định cấm quá rộng, mơ hồ về lợi dung quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 14, 15 Hiến pháp 2013) lại đang tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng để vi phạm các quyền hiến định của người dân vì khả năng ngăn chặn vẫn khó khăn. 
Do vậy, quá trình thể chế hóa các qui định về quyền con người, quyền công dân cần giải quyết được những khúc mắc này, trong điều kiện thiết chế bảo vệ là Hội đồng Hiến pháp chưa được thiết lập, dù TS.Vũ Công Giao vẫn lo ngại: “Sẽ có thiết chế thay thế song chắc chắn khó có thể đảm bảo đầy đủ như khi có Hội đồng Hiến pháp”.
Chính quyền để phục vụ dân
Hiện phần lớn dịch vụ công thiết yếu được cung cấp cho người dân là do gần 12.000 cơ quan hành chính cấp xã và 700 cơ quan hành chính cấp huyện thực hiện. Còn 63 chính quyền cấp tỉnh chủ yếu cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp. Như vậy, người dân, doanh nghiệp chính là “khách hàng” của hệ thống chính quyền địa phương nên cần trao quyền lực và nguồn lực cho các cấp địa phương trên cơ sở Hiến pháp 2013 đã tạo ra một số cơ hội giúp phân định rạch ròi hơn quyền lực của các cấp chính quyền từ địa phương đến TƯ.
PGS.TS.Phạm Duy Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM) kiến nghị, các đạo luật liên quan đến phân chia quyền lực giữa chính quyền các cấp theo Hiến pháp 2013 cần ghi nhận chính quyền xã, đô thị và tỉnh là những pháp nhân công quyền, có ngân sách độc lập với chính quyền TƯ. Chính quyền cấp huyện sẽ là những “đại lý hành chính trung gian” chứ không nên là cấp chính quyền đầy đủ.
Theo đó, địa phương sẽ phải tự quản nguồn lực để thỏa mãn nhu cầu về dịch vụ công của người dân. “Làm được như vậy chẳng những trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước nhân dân sẽ được cải thiện, mà việc đùn đẩy công việc và trách nhiệm từ cấp dưới lên cấp trên cũng sẽ chấm dứt” – PGS.Phạm Duy Nghĩa nhận xét. 
Đồng thời, trong quyền hành pháp, nên luật hóa để phân biệt hành pháp chính trị (do các chính sách thực hiện, có chức năng thảo luận và lựa chọn chính sách để quản trị quốc gia) và hành chính công vụ (do các công chức là những người chuyên nghiệp đảm nhận việc thực thi công vụ) để cải thiện chất lượng chính sách và nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy công vụ. Bởi khi được trao quyền và giám sát đầy đủ, một công chức sẽ chịu trách nhiệm quyết định về hành vi công vụ thay mặt cho cơ quan nhà nước mà mình đại diện. 
Tương tự, nếu các lãnh đạo cấp Vụ được trao quyền và chịu trách nhiệm cá nhân ngày càng rõ hơn, về lâu dài sẽ giảm bớt hiện tượng nhiều nhân lực lãnh đạo (nhất là cấp phó, thứ trưởng ở các Bộ) trong hệ thống chính quyền, từ 6 người có thể giảm xuống còn 1-2 người. 
Như vậy, bộ máy chính quyền sẽ không còn nặng tính công quyền mà tập trung phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Thực tế, những cách làm nâng cao chất lượng dịch vụ công như tại UBND tỉnh Bình Dương, UBND quận I (TP.HCM) theo  mô hình “coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng cần được phục vụ” đã khiến người dân, doanh nghiệp “không cảm thấy nhỏ bé trước cơ quan công quyền” và “không bị coi là đối tượng bị cai trị”. Điều đó đồng nghĩa với việc, quyền con người, quyền công dân sẽ được bảo đảm ngay từ các hoạt động của các cơ quan hành pháp khi thực thi pháp luật.
(Theo Pháp luật Việt Nam)
GS.Đào Trí Úc:
Quyền con người là ưu tiên bảo hộ của pháp luật tố tụng
Hiến pháp 2013 đã qui định nguyên tắc suy đoán vô tội đối với người bị buộc tội hình sự. Đây là lần đầu tiên hiến định đầy đủ nội dung của nguyên tắc này, là bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lá chắn quan trọng và vững chắc nhất đối với quyền con người người, quyền công dân trước những vi phạm từ phía các cơ quan tố tụng. Nguyên tắc này sẽ được cụ thể hóa trong pháp luật tố tụng hình sự và việc thực hiện trên thực tế sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước ở nước ta.

0 comments:

Post a Comment