Tin mới
Đang tải...

Mỗi năm người Việt chi 3 tỉ USD để uống bia

Theo Bộ Y tế, điều tra mới nhất trong năm 2012-2013 cho thấy, người Việt đang tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia và gần 68 triệu lít rượu/năm. Rượu bia làm gia tăng tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và các bệnh mãn tính do lạm dụng bia rượu.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế Bộ Y tế cho biết, một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, tại Việt Nam lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là hơn 30 lít khiến Việt Nam xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức độ tiêu thụ bia, trong khi thu nhập bình quân chỉ đứng thứ 8/11 nước khu vực Đông Nam Á. Chi phí cho việc uống bia tại Việt Nam khoảng 3 tỉ USD/năm.
Theo bà Hạnh, trong vòng 10 năm qua mức tiêu thụ rượu tại các quốc gia hầu như không thay đổi thì tại nước ta con số này liên tục gia tăng. Từ 3,3 lít/người/năm (năm 2007), lên 3,54 lít (năm 2008) và 4 lít/người/năm vào năm 2010. Bà Hạnh cũng bày tỏ lo ngại khi “tỷ lệ sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên, thanh niên đều đang gia tăng, trong đó tỷ lệ có sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) là 45%".

Báo động về lạm dụng rượu bia - Ảnh: Ngọc Thắng
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 60% số vụ TNGT có liên quan đến rượu bia. Tại Bệnh viện Việt Đức, nạn nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu chiếm tới 62%. Theo Viện pháp y Quốc gia, 34% trong số xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do TNGT có nồng độ cồn. Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia. 
Bộ Y tế khuyến cáo, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu, bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày (mỗi đơn vị tương đương với 1 cốc bia hơi, 2/3 chai hoặc lon bia, 1 cốc 100ml vang hoặc 1 chén 30ml rượu mạnh 40 độ). Nhưng theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khoảng 70% nam giới (từ 15 tuổi) có sử dụng rượu bia, khoảng 1/4 trong số đó sử dụng quá 5 đơn vị rượu bia mỗi ngày.
Trước hiện tượng một số sản phẩm đồ uống có cồn được Bộ Y tế cấp phép là “thực phẩm chức năng”, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho rằng đây là hiện tượng lách luật của một số sản phẩm rượu. Không thể coi rượu bia và các thức uống có cồn là thực phẩm chức năng.
Nam Sơn
Theo Thanh Niên

0 comments:

Post a Comment