Tin mới
Đang tải...

Cấm, hạn chế kinh doanh gì phải nói doanh nghiệp biết

Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã dành trọn ngày 6-5 để thảo luận hai dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật đầu tư (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Quốc Thanh
Sau hơn tám năm thực thi, cả hai luật đều bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần sửa đổi tạo môi trường làm ăn bình đẳng, minh bạch…
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), bên cạnh những tác động tích cực, Bộ Kế hoạch - đầu tư nhìn nhận chín nhóm vấn đề còn hạn chế, bất cập. Theo đó, so với quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) và khởi sự DN ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.
Cách thức và yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân là chưa thật hợp lý, hạn chế quyền kinh doanh theo nguyên tắc “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc không hạn chế”, đồng thời tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ cho DN.
Cho rằng đã có những nỗ lực lớn về hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan, song tờ trình của Chính phủ buộc phải ghi vào đánh giá “mức độ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở nước ta vẫn liên tục bị xếp hạng rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới” (xếp thứ 160 trong số 189 quốc gia, nền kinh tế).
Riêng DN nhà nước, việc công khai hóa và minh bạch hóa thông tin được đánh giá “dưới chuẩn” so với thực tiễn và thông lệ quốc tế tốt. Do vậy, cũng buộc phải nhìn nhận đã không phát huy được tác động tích cực của giám sát bên ngoài, giám sát của thị trường, các nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt là của nhân dân đối với DN Nhà nước.      
Trước những thực trạng được xếp vào loại “rào cản” nói trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
Đồng thời, nhiều cam kết khác nhau cũng được đưa ra trong thuyết trình sửa đổi luật này: giảm chi phí cho tổ chức quản trị DN, cơ cấu lại DN; tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc “DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế”.
Ngoài ra, sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này đã thừa nhận chính thức sự tồn tại về mặt pháp lý của DN xã hội.
Đọc dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều kỳ vọng trong tương lai DN sẽ có môi trường làm ăn thông thoáng hơn, giảm được nhiều chi phí, rủi ro, tháo gỡ được những ách tắc trong hiện tại… , nhưng cũng không ít băn khoăn ngay trong chính nội dung của dự thảo luật.
Đại biểu (ĐB) Cao Sỹ Kiêm đồng tình đề cao nguyên tắc DN được quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng chính ông băn khoăn là không rõ những gì bị cấm kinh doanh, hoặc hạn chế kinh doanh. Tới đây có trình Quốc hội luôn danh mục này không? Ông Kiêm mong muốn cần ghi cụ thể những gì cấm hoặc hạn chế kinh doanh để DN biết mà  thực hiện.
Báo cáo về dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch - đầu tư khẳng định việc sửa đổi luật này với quan điểm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư.
Đồng thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư phù hợp với cam kết của VN về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế đã và sẽ thỏa thuận trong thời gian tới. 
Quốc Thanh
Theo Tuổi Trẻ

0 comments:

Post a Comment