Từ “tiền lệ” thứ trưởng đến dự kiến 7 phó chủ tịch Hà Nội
Việc Hội đồng Nhân dân Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường bầu hai phó chủ tịch UBND thành phố vào ngày 18/4 tới đây để thay thế cho các phó chủ tịch nghỉ hưu đang đặt ra câu hỏi về số lượng phó chủ tịch.
Theo thông tin trên báo chí, Hà Nội hiện “thiếu” hai phó chủ
tịch do ông Nguyễn Văn Khôi và Nguyễn Huy Tưởng đã nghỉ hưu. Để bổ sung nhân sự
lãnh đạo, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ tiến hành họp phiên bất thường, dự kiến
bầu thêm các ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và ông
Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển
nhà Hà Nội thay thế.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã được Ban
Bí thư luân chuyển về tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố
Hà Nội nhiệm kỳ 2010 - 2015 và giới thiệu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND thành
phố.
Do đó, dự kiến Hà Nội sẽ có 7 phó chủ tịch, một con số vượt
quy định hiện hành.
Tối đa là 6
Theo quy định tại Nghị định số 107/2004/NĐ-CP của Chính phủ
ban hành ngày 1/4/2004 quy định về số lượng phó chủ tịch của UBND các cấp, tại
điều 6 quy định về số lượng phó chủ tịch và cơ cấu thành viên ủy ban nhân dân
đô thị là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt đã quy định rằng UBND thành
phố Hà Nội và Tp.HCM được tổ chức theo mô hình có 13 thành viên gồm có 1 chủ tịch,
5 phó chủ tịch và 7 ủy viên.
Nghị định cũng quy định chi tiết rằng Chủ tịch UBND phụ
trách chung, nội chính, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, xây dựng
và kiến trúc đô thị.
Trong khi đó, 5 phó chủ tịch UBND sẽ gồm một phó chủ tịch phụ
trách kinh tế, thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đối ngoại, hợp tác đầu
tư; đổi mới và phát triển các doanh nghiệp; một phó chủ tịch phụ trách xây dựng,
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, hạ
tầng kỹ thuật đô thị, phòng cháy chữa cháy; một phó chủ tịch phụ trách nông
nghiệp và phát triển nông thôn, quản lý công tác thuỷ lợi, nhà đất và tài
nguyên - môi trường; một phó chủ tịch phụ trách tài chính, quản lý nhà nước đối
với các hoạt động thu, chi ngân sách; tổ chức thị trường tài chính, quản lý và
xây dựng chính sách huy động các nguồn vốn, chỉ đạo quản lý vốn tại các doanh
nghiệp, tài sản công và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; một phó chủ tịch
phụ trách văn hoá - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
Giữa năm 2011, Nghị định 36/2011/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 107/2004/NĐ-CP, theo đó UBND thành phố Hà Nội có thể
có tối đa 6 phó chủ tịch, tăng thêm 1 phó chủ tịch so với quy định tại Nghị định
107/2004/NĐ-CP (có 5 phó chủ tịch).
Nghị định mới cũng nêu rõ, số lượng phó chủ tịch UBND thành
phố Hà Nội hiện có được giữ nguyên; trường hợp khuyết phó chủ tịch do điều động,
luân chuyển, nghỉ hưu hoặc lý do khác thì sẽ thực hiện theo quy định mới (không
quá 6 phó chủ tịch).
Thời gian gần đây, Bộ Nội vụ đã và đang xây dựng một nghị định
mới về quy định về thành viên ủy ban nhân dân các cấp, theo đó thành phố Hà Nội
và Tp.HCM được tổ chức UBND với có 13 thành viên gồm có 1 chủ tịch, 6 phó chủ tịch
và 6 ủy viên.
Nghị định cũng quy định chi tiết tới mức chủ tịch UBND thành
phố sẽ phụ trách chung, nội chính, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch,
xây dựng và kiến trúc đô thị.
Trong khi đó, 6 phó chủ tịch sẽ được phân công các mảng phụ
trách bao gồm một phó chủ tịch phụ trách kinh tế, thương mại, phát triển du lịch,
kinh tế đối ngoại, hợp tác đầu tư; doanh nghiệp; một phó chủ tịch phụ trách xây
dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; một phó
chủ tịch phụ trách công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, bưu
chính viễn thông, phòng cháy chữa cháy, khoa học - công nghệ; một phó chủ tịch
phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn, quản lý công tác thuỷ lợi, nhà đất
và tài nguyên - môi trường; một phó chủ tịch phụ trách tài chính, quản lý nhà
nước đối với các hoạt động thu, chi ngân sách; tổ chức thị trường tài chính, quản
lý và xây dựng chính sách huy động các nguồn vốn, chỉ đạo quản lý vốn tại các
doanh nghiệp, tài sản công; một phó chủ tịch phụ trách văn hoá - xã hội và các
lĩnh vực xã hội khác.
Như vậy, nếu chiếu theo Nghị định 36/2011/NĐ-CP đang có hiệu
lực hay dự thảo nghị định mà Bộ Nội vụ đã công bố, Hà Nội và Tp.HCM sẽ chỉ có tối
đa 6 phó chủ tịch.
Tiền lệ từ các bộ
Tuy nhiên, câu chuyện số lượng phó chủ tịch Hà Nội dường như
đang có một “tiền lệ” từ số lượng thứ trưởng của các bộ.
Theo Nghị định 36/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 của Chính phủ
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang
Bộ, mỗi bộ có số thứ trưởng không quá 4; đối với bộ quản lý nhiều ngành lĩnh vực
lớn, quan trọng, phức tạp được thì được phép có nhiều hơn 4 thứ trưởng nhưng phải
do Thủ tướng quyết định.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hầu hết các bộ đang có từ
5 thứ trưởng trở lên, thậm chí có bộ có tới 9 thứ trưởng.
Tại thời điểm tháng 9/2013, Bộ Tài chính có 9 thứ trưởng
trong khi có bốn bộ khác có 7 thứ trưởng là Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao
thông vận tải, Thanh tra Chính phủ.
Tiếp đó, các bộ có 6 thứ trưởng bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội
vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Câu chuyện số lượng thứ trưởng từng được làm nóng tại Quốc hội
cuối năm 2013. Thời điểm đó, trả lời báo chí, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi ấy
đang giữ cương vị Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay “sắp tới
Chính phủ sẽ rà soát để có quy định số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ chứ không máy
móc tối đa 4 người như hiện nay”.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy quy định mới nào về vấn đề
này được ban hành, trong khi một số bộ vẫn đang “có thêm thứ trưởng”. Chẳng hạn
với việc điều chuyển Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng về lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ
này hiện cũng đã có 6 thứ trưởng. Bộ Công Thương hiện cũng đang có tới 7 thứ
trưởng.
Câu chuyện mang tính “tiền lệ” về số lượng thứ trưởng có là
“điểm tựa” cho câu chuyện số lượng phó chủ tịch của Hà Nội?
Trong một diễn biến liên quan đáng chú ý là gần đây, Bộ Nội
vụ đã công bố một đề án về việc tinh giản biên chế quy mô lớn, thậm chí đã đưa
ra mục tiêu khá cụ thể là tinh giản khoảng 100.000 công chức các cấp.
Thông điệp của đợt tinh giản là làm gọn bộ máy, hướng tới việc
tiết giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.
Câu hỏi đặt ra là thông điệp ấy sẽ được người dân cảm nhận và chia sẻ như thế
nào khi mà ở cấp bộ vẫn còn tình trạng tăng số lượng cấp phó, và trước mắt là
câu chuyện bầu bổ sung của Hà Nội?
Hoàng Anh Minh
Theo VnEconomy
0 comments:
Post a Comment